Nguyễn Sử Phương Phúc – 9X quê Bình Định đã tạo nên kỳ tích khi vừa trở thành sinh viên quốc tế đầu tiên trong lịch sử gần 200 năm thành lập Đại học Bách khoa Bucharest (Romania) đạt danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp của trường với điểm trung bình 9,98 cho 4 năm học.
- Thành tích của Nguyễn Sử Phương Phúc:
- - Học bổng Hiệp định của Chính phủ Romania
- - Giải nhì Olympic sinh viên môn Toán năm học 2011-2012
- - Giải nhì Olympic sinh viên môn Toán năm học 2012-2013
- - Giải nhất Olympic sinh viên môn Sức bền vật liệu năm học 2012-2013
- - Giải thưởng Top sinh viên Toán theo Chương trình đánh giá chất lượng giáo dục đại học của Quỹ Xã hội châu Âu
- - Giải ba cuộc thi Sáng tạo Robot Cấp Quốc gia năm học 2013-2014
- - Học bổng thực tập tại Malta theo chương trình Lifelong Learning Programme của Liên minh châu Âu
- - Giải nhì cuộc thi Sáng tạo Robot Cấp Quốc gia năm học 2014-2015
- - Giải đặc biệt Đồ án nghiên cứu sinh viên Cấp Quốc gia năm học 2014-2015
- - Giấy khen của Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam cho sinh viên xuất sắc
- - Thủ khoa tốt nghiệp ĐH Bách khoa Bucharest khóa 2011-2015.
Kỳ tích là tên gọi khác của sự nỗ lực…
Khi đang là sinh viên năm nhất Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, Phúc đăng ký tham gia học bổng Hiệp định của Chính phủ các nước. Nhưng do hồ sơ gửi bưu điện bị chậm, Cục Đào tạo (Bộ GD & ĐT) thông báo chỉ còn vài nước có thể đi nên anh chàng đã cân nhắc và chọn Romania.
Sau một năm học dự bị, Phúc quyết tâm “chinh phục” ĐH Bách khoa Bucharest, ngôi trường nằm ở Thủ đô của đất nước Romania và nổi tiếng là khó “chen chân” vì đầu vào cao. Thời gian đầu, anh chàng không theo kịp được chương trình học vì thầy cô giảng nhanh.
Quyết tâm và nghiêm khắc với bản thân, mỗi môn Phúc dành thời gian chọn một cuốn sách chất lượng để tham khảo. Ở nhà, anh chàng đọc, rút gọn kiến thức trước để lên lớp nghe thầy cô giảng kỹ hơn và chỉ hỏi những chỗ chưa hiểu.
Năm 4 ĐH, chàng sinh viên chuyên ngành Cơ khí - Cơ điện tử được chọn làm đội trưởng tuyển robot của trường chuẩn bị cho cuộc thi quốc gia Romania.
Chàng trai Việt 24 tuổi đạt thủ khoa tốt nghiệp ở Romania - Nguyễn Sử Phương Phúc
Cuộc thi robot cấp quốc gia “ngốn” phần lớn quỹ thời gian của chàng trai Bình Định, cộng với việc nghiên cứu khoa học và chuẩn bị thi học kỳ, Phúc chỉ có 27 ngày để làm đồ án tốt nghiệp.
“Trong một lần sạc điện, pin robot bất ngờ phát nổ và toàn bộ mạch điện bị hỏng nên phải làm lại trong khi chỉ còn 4 ngày nữa là bảo vệ đồ án. May mà cũng sửa xong vào đêm cuối cùng”, Phúc kể. Cuối cùng, anh chàng vẫn đạt 10 điểm khóa luận tốt nghiệp và giành luôn “Giải đặc biệt đồ án nghiên cứu sinh viên cấp quốc gia”.
“Đáng nhớ nhất có lẽ là những ngày tháng chuẩn bị cho cuộc thi Sáng tạo Robot. Tụi mình làm mệt rồi ngủ, ngủ dậy rồi làm không quan tâm trời sáng hay tối. Nhiều lúc tự nhiên thấy thầy mang một vỉ dao cạo râu đến, cả lũ mới đi soi gương, thì ra là râu dài quá rồi.
Hầu hết các môn học của Phúc ở trường, lý thuyết chỉ chiếm 1/3, còn lại là thực hành ở phòng thí nghiệm và làm đồ án.
Với Phúc, kỳ tích có lẽ chỉ là tên gọi khác của sự nỗ lực. Trở thành sinh viên quốc tế đầu tiên tốt nghiệp thủ khoa tại trường ĐH Bách khoa Bucharest với số điểm gần tuyệt đối 9,98, Phúc bộc bạch: “Đứng trước lễ đài hơn 6.000 sinh viên, cả hội trường hô vang Việt Nam, Việt Nam, mình cảm thấy rất tự hào nhưng cũng hơi run một chút.
Mình thấy 9,98 đẹp hơn 10. Trong cuộc sống không có gì là hoàn hảo, khi một người đã đạt đến đỉnh cũng là lúc họ bắt đầu đi xuống, thôi cứ đạt 9 điểm để mình còn vươn xa hơn nữa”.
Phúc phát biểu đại diện hơn 6000 sinh viên phát biểu trong lễ tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa Bucharest – (Ảnh: upb.ro)
Phúc đại diện cho hơn 6.000 sinh viên phát biểu trong lễ tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa Bucharest – (Ảnh: upb.ro)
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”
Ngoài đọc sách, nghe nhạc Baroque (nhạc Baroque rất nổi tiếng cho việc tập trung, hầu như lúc nào học bài mình cũng nghe nó, cực kỳ hiệu quả - Phúc cho hay), Phúc rất thích đi du lịch. Mỗi lần được đi, được thấy là một lần Phúc được trải nghiệm và tích góp vốn sống.
Thích đi du lịch nhưng để tiết kiệm chi phí, Phúc thường tìm các học bổng thực tập hè cho sinh viên để đi làm, đi thực tập và kết hợp đi du lịch luôn. Nhờ thế, Phúc lần lượt sang Mỹ, sang Malta, rồi Italy.
“Mình đi làm ở nhiều nơi lắm, nhưng đáng nhớ nhất có lẽ là lần sang Malta theo học bổng của Liên Minh Châu Âu. Trong học bổng này, mình được chọn giữa Pháp, Italy và Malta. Mặc dù 2 nước kia rất nổi tiếng nhưng sau khi tìm hiểu mình đã chọn Malta.
Không phải lúc nào những nước lớn cũng tốt hơn những nước nhỏ. Cơ hội để sang Pháp, Italy thì nhiều nhưng để sang được một quốc đảo cùng những văn hoá độc đáo của vùng Địa Trung Hải là điều không dễ.
Đại sứ Việt Nam tại Romania (bên phải) chúc mừng Phúc trong ngày lễ tốt nghiệp.
Ở Malta mình làm bên phòng thiết kế cho một công ty về máy công nhiệp. Công việc cũng có phần nặng so với một sinh viên năm 3 nhưng mình đã học được rất nhiều. Công ty có chế độ cực tốt, dành cho mình một chung cư riêng tiêu chuẩn 3 sao để ở, đi thực tập nhưng có lương rất cao.
Tuy nhiên điều đáng nhớ không phải là ở công việc mà là sự thân thiện của người dân, nét văn hoá cực kỳ lạ và độc đáo, phong cảnh đẹp như tiên cảnh của một quốc đảo Địa Trung Hải.
Thêm nữa là họ cực kỳ giàu có nhé (cười). Bạn cứ tưởng tượng, ở Malta họ bắn pháo hoa mỗi tối, đơn giản chỉ là thú vui tiêu khiển sau khi ăn cơm xong và nhà ai cũng có một du thuyền riêng để đi chơi cơ đấy…”, anh chàng hào hứng kể.
Tận dụng các học bổng thực tập, Phúc đặt chân tới nhiều quốc gia.
Với tấm bằng thủ khoa, chàng trai Bình Định được không ít công ty gửi email mời đi làm, nhưng Phúc vẫn chọn trở về Việt Nam. Trong tương lai, anh chàng dự định xin một suất học bổng tiến sĩ ở Mỹ, còn hiện tại Phúc muốn đi làm để tích luỹ kinh nghiệm.
“Mình chọn trở về quê hương vì ở đó có gia đình. Mặt khác, mình thấy Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, đất nước gần 90 triệu dân, đang trên đà phát triển là cơ hội rất lớn cho các bạn trẻ cầu tiến. Không cần cao siêu gì, chỉ cần tinh ý nhìn xung quanh và cơ hội sẽ đến.
Bạn thấy nước mía bẩn, bạn làm sạch hơn, bạn thấy quán ăn không chuyên nghiệp, bạn làm chuyên nghiệp hơn… Tất cả đều là cơ hội, chỉ tại chúng ta không chịu khó quan sát và làm việc hết mình mà thôi”, Phúc nói.
Lệ Thu
0 comments:
Post a Comment