Tiệm bánh của bà Lộc nhỏ, xa khu phố cổ Hội An (Quảng Nam), nhưng lại được website về du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor gọi với tên "The Banh mi Queen".
Buổi chiều giữa tháng 8, tại tiệm bánh mì số 115 Trần Cao Vân (Hội An), bà Nguyễn Thị Lộc vừa cẩn thận đặt từng phần nhân vào ruột bánh mì, vừa niềm nở mời khách. Dù tiệm chỉ đủ kê hai chiếc bàn và chiếc tủ kính đựng thực phẩm, nhưng rất đông khách trong và ngoài nước. Họ đến để thưởng thức bánh mì được ca ngợi là ngon nhất thế giới của Madam Khánh, hay “nữ hoàng bánh mì”.
“Tôi không nhớ rõ cái tên Madam Khánh có từ hồi nào, nhưng đó là do một khách Tây mến mộ đặt theo tên chồng. Ngày mở tiệm, ông luôn dậy sớm cùng tôi chuẩn bị mọi thứ để kịp bán cho khách vào buổi sáng. Từ một hơn một năm nay, có con gái phụ giúp nên ông đỡ vất vả hơn”, bà cụ 80 tuổi giải thích về cái tên của tiệm bánh.
Chuyển từ bán chè sang bánh mì cách đây hơn 30 năm, bà Lộc đã tìm đến những tiệm bánh mì ở nhiều nơi trên vùng đất Hội An để thưởng thức rồi về tự sáng tạo ra bí quyết làm bánh của riêng mình. Ngày mới làm, nguyên liệu chưa được nhiều như bây giờ, dần dần bà đã tìm ra nhiều công thức mới để làm cho bánh thơm ngon mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm.
Nguyên liệu làm nhân bánh được bà kiểm tra nhãn mác kỹ càng, từ hạt tiêu cho đến dầu ăn hay rau nộm, luôn phải đảm bảo chất lượng và tươi ngon. Bánh mì được bà chọn của một lò uy tín gần nhà với lớp vỏ giòn, ruột bánh dày, đặc, thơm mềm. Nhân bánh là trứng, thịt nướng, thịt luộc, thịt xá xíu, pate, sốt mayonnaise, sốt thịt, lạp sường, ớt, nộm cà rốt, su hào, dưa chuột thái mỏng...
Tiệm bánh của bà Lộc bán cả ngày, trước chủ yếu là phục vụ học sinh, người lao động nghèo. Lâu dần cùng với sự phát triển của Hội An, tiệm bánh được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Ngày nay, với 20.000 đồng du khách có thể thưởng thức một chiếc bánh mì với khoảng 16 vị nguyên liệu.
Bà cụ Lộc được thực khách yêu mến không chỉ bởi là “nữ hoàng bánh mì” mà còn là người đôn hậu, dễ tính và chu đáo. Bà luôn để khách tự chọn thành phần cho nhân bánh, những người ăn ít vị thì bà lấy ít tiền. Trung bình mỗi ngày bà bán được khoảng 150 chiếc bánh. Vào mùa du lịch khách đến đông hơn, bà bán được khoảng 300 chiếc mỗi ngày.
Thấy tiệm đông khách, nhiều người hỏi sao không mở rộng kinh doanh sang địa điểm trung tâm phố cổ Hội An để nâng cao thu nhập, bà cười trả lời: “Tôi muốn khách có nơi yên tĩnh để ngồi chậm rãi thưởng thức được hết cái ngon của bánh, không phải bận tâm đến những ồn ào huyên náo ngoài kia. Tôi cũng muốn có nhiều thời gian trò chuyện với khách”.
Những dòng chữ khen ngợi và cảm ơn của du khách sau khi thưởng thức bánh mì của Madam Khánh. Ảnh: Nguyễn Nhung.
Đứng dậy thanh toán tiền sau khi đã thưởng thức bánh, anh Jody, du khách đến từ Anh, cho biết thường xuyên tìm đến tiệm của Madam Khánh vì bà chủ rất thân thiện, bánh mì của bà rất thơm, giòn, không quá béo ngậy, nguyên liệu tươi ngon. "Bánh rất đặc biệt, khác với những người khác làm”, anh Jody nhận xét.
Charlie, khách du lịch nước Mỹ, chia sẻ đã đến Hội An 3 lần và lần nào cũng ghé vào đây để ăn bánh mì của Madam Khánh. "Bánh rất tuyệt mà lại rẻ. Tôi mong bà sống khỏe mạnh để khách du lịch có thể trở lại đây thưởng thức bánh mì của bà nhiều lần nữa”, anh nói.
Ở bên phải tiệm bánh có một tấm bảng bằng kính dán những mảnh giấy nhỏ. Bà Lộc bảo tấm bảng này có từ đầu năm 2014, do vị khách Tây tặng cho bà cùng những lời khen ngợi. Kể từ đó, nhiều khách đến thưởng thức đã để lại mảnh giấy nhỏ ghi lại lời khen và dán vào bảng. Có rất nhiều nét chữ của khách du lịch đến từ nhiều quốc gia, như: Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ…
“Tôi không biết tiếng Anh nhiều, thấy khách ăn xong ra về vui vẻ và giơ ngón tay cái nói good, good, tui hiểu là họ khen ngon, thế là thấy vui trong lòng”, chủ tiệm bánh The Banh mi Queen cười nói.
Nguyễn Nhung
0 comments:
Post a Comment